Lăng Đá Quận Vân - Di tích Lịch sử Quốc Gia. Là một trong những lăng đá đồ sộ nhất miềm bắc Việt Nam, có những linh vật thuần việt bực nhất Hà Thành
LĂNG ĐÁ QUẬN VÂN
Quận công Đỗ Bá Phẩm là người làng Vân La thuộc Tổng Vân, xã Vân La, huyện Thanh Trì , phủ Thường Tín (nay thuộc thôn Vân La, xã Hồng Vân - Thường Tín - Hà Nội ) nên nhân dân trong vùng gọi cụ là Quận Vân. Cụ là người tài đức vẹn toàn. Năm 1710 - 1725 dưới triều vua Lê Trung Hưng - Chúa Trịnh Cương cụ đã được bổ nhiệm chức quan Tổng trấn Sơn Nam - một vùng trọng yếu cửa ngõ phía nam kinh thành Thăng Long xưa. Năm 1725 cụ được triệu về phủ Chúa Trịnh, dưới triều Chúa Trịnh Cương cụ là người thân tín bậc nhất của Chúa và được Chúa Trịnh Cương giao cho việc trực tiếp dạy dỗ Thế tử Trịnh Giang. Trong quá trình dạy dỗ, cụ nhận thấy Trịnh Giang là người gian ác, dâm loạn, ngang ngược nên cụ cùng một số quan đại thần trong triều đã dâng sớ trình Chúa Trịnh không tiến cử Trịnh Giang vào ngôi chúa (vì quốc gia đại sự cụ đã dũng cảm không tiến cử học trò của mình). Năm 1932 Chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời, Trịnh Giang đoạt ngôi và tiến hành việc hạ chức của một số quan đại thần trong triều, trong đó có cụ Đỗ Bá Phẩm. Năm 1734 sau khi bị phế chức Tổng trấn Sơn Nam, Trịnh Giang đẩy cụ về vùng Đông Triều - Quảng Ninh trấn ải vùng biên thùy, hoang sơ, hẻo lánh, đến ngày 25/6 /1735 cụ qua đời. Hiện nay mộ phần của cụ đang được nhân dân địa phương và các nhà khảo cổ học tìm kiếm để bổ sung vào dữ liệu kho tàng lịch sử Quốc gia.
Do có công lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và là người trực tiếp dãy dỗ Thế tử, cụ đã được vua Lê Trung Hưng và Chúa Trịnh Cương ban cho xây lăng tại quê nhà để làm nơi an nghỉ cuối cùng khi qua đời.
Sau khi được vua Lê Trung Hưng và Chúa Trịnh Cương ban cho xây lăng, năm 1733 cụ đã chọn vùng đất phía Tây của làng (nay thuộc làng Nỏ Bạn, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) là vị trí có thế đất tốt, hội tụ đủ yếu tố phong thủy hợp cho việc an phần mồ mả, cụ đã cho người sưu tầm những phiến đá nguyên khối từ Đông Triều - Quảng Ninh vận chuyển theo đường thủy về để xây dựng các hạng mục trong quần thể lăng như hiện có. Trong thời điểm xây lăng, do bất đồng chính kiến với Chúa Trịnh Giang kết hợp với với việc trong triều có gian thần rèm pha cho rằng cụ có ý đồ tạo phản, nên lăng đá mới chỉ được xây dựng xong các hạng mục chính thì dừng lại. Vào ngày 16/8/2018 Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân 2 xã Hồng Vân và Vân Tảo đã tiến hành đầu tư xây dựng các hạng mục còn lại của quần thể lăng đá như tường rào, lối đi, sân vườn, nhà khách, cây cảnh quan và cổng vào.
Theo dữ liệu từ văn bia, cũng khẳng định lăng đá được xây dựng vào năm 1733 khi Quận công Đỗ Bá Phẩm còn sống và được xây dựng tại nơi có thế đất cao, rộng và bằng phẳng. Năm 1802 thời vua Gia Long, do vỡ đê sông Hồng toàn bộ nước lũ và phù sa bồi lắng đã phủ kín quần thể lăng đá. Từ 1802 đến 1915 các tỉnh bắc bộ trong đó có Hà Nội liên miên vỡ đê và bão lụt. Đặc biệt thời vua Tự Đức (1863-1886), Hà Nội hứng chịu 18 năm vỡ đê liên tiếp, dân cư phiêu bạc, làng xóm trở thành sình lầy không thể sinh sống được. Sau trận vỡ đê lịch sử năm 1893 cứ 3 năm lại vỡ đê một lần. Đến năm 1915 thực dân Pháp có kế hoạch gia cố đê kè, xây đồn bốt và dồn dân cư trở lại sinh sống (Sở dĩ lăng đá bị lãng quên gần 3 thế kỷ vì sau khi xây dựng đến năm 1802 đê bị vỡ lăng đá bị vùi lấp hoàn toàn và miền Bắc hứng chịu cảnh vỡ đê, lũ lụt liên miên, đồng đất làng mạc trở thành sinh lầy, nên con cháu của cụ và người dân trong làng đã phải di dời đi chỗ ở mới kiếm kế sinh nhai. Khi quay trở lại toàn bộ xóm làng chỉ còn lại là vùng đất bồi và các công trình kiên cố như Đình, chùa). Nay dấu tích còn lại của một thời kỳ lũ lụt lịch sử chính là những đầm, hồ, ao, trong đó đậm nét nhất chính là đầm Xâm Thị và đầm Vân Tảo.
Năm 1986 thực hiện công cuộc đổi mới, UBND tỉnh Hà Tây có chủ trương đầu tư một số hạng mục kết cấu hạ tầng và có kế hoạch lấy đất phù sa tại các xã ven sông, kết hợp cải tạo đồng ruộng. Trong quá trình thi công, đào lấp thì phát hiện quần thể lăng đá. Đơn vị thi công đã báo cáo các cấp chính quyền và UBND tỉnh Hà Tây đã tiến hành khai quật có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học. Sau quá trình khai quật, toàn bộ quần thể lăng đá đã lộ thiên như hiện tại. Những năm đầu mới khai quật mỗi ngày có hàng trăm người dân trong vùng và du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, thắp hương và hành lễ tại khu vực lăng đá. Qua quá trình nghiên cứu, thu thập hồ sơ, dữ liệu năm 1988 UBND tỉnh Hà Tây đã công nhận Lăng đá Quận Vân là di tích cấp tỉnh. Với những nét độc đáo, các linh vật tại đây được trạm khắc tinh sảo, có tính nghệ thuật cao, kích thước của các linh vật có tỷ lệ tương đồng với đời thường, là nơi lưu giữ những nét văn hóa nghệ thuật của người Việt xưa. Năm 2003 Lăng đá Quận Vân được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Toàn bộ khu Lăng đá Quận Vân có diện tích 3.457 m2 (tương đương 9,6 sào bắc bộ) được chia làm ba phần: cổng lăng, khu sinh phần, nhà mộ.
Lăng đá Quận Vân, với gần 30 di vật được tạo tác từ các khối đá núi đồ sộ, mỗi di vật là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo, là minh chứng về khả năng tư duy nghệ thuật, trình độ thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của ông cha ta. Có thể nói Lăng đá Quận Vân là một di tích văn hóa có giá trị về nhiều mặt, một công trình kiến trúc điêu khắc đá độc đáo, tiêu biểu của thời Lê Trung Hưng. Độc đáo và tiêu biểu bởi những hoa văn, họa tiết điêu khắc trên đá ở lăng Quận Vân như hình rồng chầu, nghê đá, chó đá… đều rất tinh xảo và thuần Việt. Những giá trị về mặt kiến trúc điêu khắc và quy trình xây lăng đá Quận Vân là tài sản và tinh hoa lớn của người Việt ta, nó khác hoàn toàn với những tượng đá theo lối kiến trúc điêu khắc ngoại lai của một số công trình tân tạo.
Từ Cổng lăng đi vào là tượng chó đá cao 0,8m ngồi chầu, cổ đeo vòng lục lạc, ngồi canh cổng. Qua quan sát thì đây chính là linh vật canh nhà rất đời thường trong các gia đình Việt và cũng chính là linh vật thường được dùng để trấn yểm tại các nơi thờ tự, lăng mộ.
Tiếp đến là 2 pho tượng võ sĩ vạm vỡ cao 1,8m. Hai pho tượng này được người thợ điêu khắc thể hiện theo lối tả thực giống người từ kích cỡ cho đến đường nét khuôn mặt, thể hiện trên hình khối tinh xảo, cân đối nên quan sát chúng ta hình dung như hai võ sĩ thật đang đứng canh cổng lăng mộ.
Khu sinh phần cách cổng lăng 15m, là nơi tập trung các giá trị nghệ thuật kiến trúc của công trình. Thẳng theo trục thần đạo của lăng mộ, đầu tiên là hương án tiền cao 1,5m, mặt hương án rộng 1,22m x 1,65m. Bốn góc chạm hoa văn, thân khắc “lưỡng nghê chầu lư hương” cùng các tiểu tiết trang trí đài sen, mây, lửa... Hai bên hương án tiền là hai sập thờ bằng đá hình trụ có bề dày 0,76m, rộng 0,74, cao 0,78m. Mặt được bào soi và khắc gờ chỉ công phu
Cách hương án tiền gần 4m, mỗi bên có một tượng "Voi phục" cao 1,5m, dài 2,2m. Tính theo tỉ lệ, cặp voi này tương ứng với kích thước voi thật đến từng bộ phận cơ thể. Hoàn toàn không có sự cách điệu nào trong việc thể hiện, cặp voi đá được các nghệ nhân lành nghề tạo tác bằng đá nguyên khối. Hai linh vật này giống nhau như một cặp sinh đôi, có cặp mắt sâu và rất có hồn. So sánh với các cặp voi của các đền thờ, miếu mạo khác thì đây có thể coi là một cặp voi hiếm, khó gặp bởi qua bàn tay các nghệ nhân đã toát lên được vẻ đẹp chân thực. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thì cặp tượng voi này là một trường hợp hiếm thấy ở nước ta. Kích thước bằng voi thật, có dáng vẻ đẹp và cân xứng. Với một khối đá khổng lồ, chất liệu thuộc loại rắn, rất khó khăn trong tạo tác. Nhưng đã được các nghệ nhân xưa thổi hồn qua mỗi nét đục, đường chạm.
Ngay kế tiếp cặp voi phục là cặp tượng ngựa đá cao 1,3m; dài 2,85m có tỷ lệ như ngựa thật. Cặp ngựa này cũng được tả thực, không thêm thắt bất kỳ một yếu tố lạ nào. Hai tượng ngựa được chạm khắc chi tiết đến từng kiểu cách thắt đai, làm cương ngựa của ông cha ta thủa xưa.
Liền kề bệ thờ là hai linh vật chó đá nằm chầu, hướng mặt về phía cổng quan sát, trên mặt thể hiện nét vui mừng, hiền hòa. Điều đặc biệt là cặp chó đá này được làm đơn giản, không hoạ tiết cầu kỳ nào, nhưng lại toát lên vẻ phú quý, thân thiện. Phẩn cổ của 2 linh vật chó đá được đeo hai đai vàng thể hiện sự nét quyền quý, trung thành, thân thiện. Chúng được cho là một cặp đực cái, sống chung với nhau. Theo quan sát tư thế của 2 linh vật thì tượng chó đá bên phải lối vào là chó đực, tượng còn lại là chó cái.
Cặp chó đá chầu trước hai hương án đặt liền nhau, gọi là hương án trung, cái sau cao hơn cái trước. Cái trước cao 1,25m, mặt rộng 1,5m x 2,25m, cái sau cao 1,6m, mặt rộng 1,4m x 2,8m. Cả hai hương án trung đều là những khối đá nguyên tạo thành, ở giữa mặt hương án sau đặt một chiếc ngai đá có tay đầu rồng là hiện vật quý giá và tinh xảo nhất mà người xưa để lại giống những chiếc ngai làm bằng gỗ thờ trong hậu cung các đình làm để thờ bài vị thành hoàng. Ngai được chạm lộng và chạm bóng khá tinh sảo, không thua kém gì chạm khắc trên gỗ. Trước ngai là bệ hương và phía dưới là sập thờ cũng hoàn toàn làm bằng đá.
Trước mặt nhà bia, có một cụm di vật gồm: sập 2,55m x 1,85m, chiếu hoa cỡ nhất trải còn chưa kín và đôi linh vật không có thật duy nhất xuất hiện trong khu vực lăng mộ chính là đôi tượng nghê bằng đá có chiều cao 1m (là một linh vật linh thiêng trong tục thờ cúng của người Việt). Điều thú vị ở đây là cặp nghê đá này dù đã được tạc cách đây trên 300 năm nhưng vẫn còn rất thời đại. Chúng vừa biểu thị cho uy quyền, nhưng lại vẫn tạo vẻ ngoài dễ gần gũi. Và do là linh vật không có thật nên đây chính là con vật được người thợ thể hiện hoa văn nhiều nhất. Đôi Nghê chầu hai cánh nhà bia, mồm ngậm hạt ngọc, đầu và mình được khắc những hình văn xoắn, cổ đeo vòng nhạc, hình dáng khỏe khoắn và sinh động. Nghê bên trái đặt chân lên quả địa cầu thể hiện việc trông nom, cai quản bờ cõi, nghê bên phải đỡ nghê con, vị trí được đặt ở phía Đông của Lăng là hướng về làng Vân La - nơi quê cha đất tổ đã sinh ra nuôi dưỡng cụ Quận lớn khôn, hình tượng đỡ nghê con thể hiện tình mẫu tử, đạo nghĩa, truyền thống tốt đẹp của quê hương và dân tộc Việt. Quan sát hai linh vật nghê đá toát lên nét trượng phu và khí tiết của cụ Quận, một vai gánh vác nước non, một vai nặng trữu với quê nhà.
Kế tiếp nghê đá là Nhà bia là di vật kết thúc khu sinh phần. Ngôi nhà bia có bốn cột đá nguyên khối, đỡ lấy tám mái cong bốn phía. Nóc nhà bia có tháp cao. Toàn nhà bia cao 4m dài 2,62m; rộng 2,24m, gồm 20 chi tiết lắp ghép với nhau hoàn toàn bằng mộng, không hề sử dụng một chất kết dính nào. Ngôi nhà bia đã trải qua trên 3 thế kỷ, chứng kiến những thăng trầm của lịch sử, biến đổi về thời tiết và biến dạng về địa hình vẫn sừng sững không hề thay đổi. Bên trong nhà bia có một tấm bia cỡ lớn, cao 2,15m, rộng 1,25m, dày 0,42m. Mặt trước, phần trái bia có dòng chữ lớn "Đỗ phụ quốc thần Từ đường bi ký", ghi lại công đức ba đời của Quận công Đỗ Bá Phẩm (Quận Vân). Bài văn bia do Thanh Dụ trị sự, Giám sinh Hoàng Sướng soạn. Mặt sau bia không thấy ghi chép gì. Thông thường mặt sau bia thường được ghi ngày giỗ nhưng chưa thấy có sử sách nào ghi chép điều này. Người làng Vân La tôn vinh, ngưỡng mộ và nhớ ơn công đức của cụ. Vào ngày 25/6 âm lịch hàng năm, nhân dân các làng trong tổng Vân xưa làm lễ cúng húy nhật cụ (giỗ), đây chính là ngày mất của cụ Quận (25/6/1735).
Nhà mộ ở ngay sau nhà bia, hình mui rùa nhưng có chóp đỉnh và hình bốn mái. Phần thân mộ nằm chìm dưới lòng đất, vẫn chưa được khai quật vì có truyền thuyết cho rằng phần nhà mộ có đường hầm và tự làm sập nên gây nguy hiểm cho việc khai quật. Nên đến thời điểm này vẫn chưa tiến hành khai quật. Tuy nhiên theo cung cấp của các cụ cao niên trong làng Nỏ Bạn, thì vào năm 1986 khi khai quật đoàn khảo cổ đã mở lắp nhà mộ, thì thấy bên trong có một buồng cau vàng, một lá trầu không vàng, một đĩa vàng và hai tượng hầu. Trong quá trình khai quật và khảo cổ các nhà nghiên cứu, sưu tầm đã lấy đi một phần buồng cau để phục vụ công tác nghiên cứu khảo cổ. Số còn lại vẫn còn nguyên vẹn trong mộ phần.
Lăng đá Quận Vân, với gần 30 di vật được tạo tác bằng các khối đá núi đồ sộ, mỗi di vật là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo, là minh chứng về khả năng tư duy nghệ thuật, trình độ thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của tổ tiên ta xưa gắn liền với vị quận công Đô đốc Đỗ Bá Phẩm ông là người học hành giỏi dang văn tài võ lược, ông đã từng chỉ huy dẹp giặc phía nam và có nhiều chiến tích. Có thể nói đây chính là một di tích hội tụ đủ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của người dân đất Việt.