DU LỊCH LÀNG QUÊ HỒNG VÂN - Hotline: 0972669194 - Email: dulichlangquehongvan@gmail.com

fcbk googlepluscircleiconpng twitter youtube
logo_web_hong_van_chuan
Giỏ hàng
Đăng ký | Đăng nhập

Email / Điện thoại

Mật khẩu

Nhớ mật khẩu | Quên mật khẩu

Đình Xâm Xuyên - Di tích lịch sử Quốc gia

Di tích lịch sử Quốc gia, nằm trên Làng Xâm Xuyên thờ Đức Linh Lang Đại Vương

 

DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA QUỐC GIA (1987)

          Đình làng Xâm Xuyên là tên thường gọi trong nhân dân, tên ngôi đình là tên của làng. Từ thời Hậu lê về trước, làng Xâm Xuyên có tên gọi là Liễu Xuyên, cuối thời Lê mới đổi thành Xâm Xuyên.

          Theo truyền thuyết, đình Xâm xuyên cổ xưa chỉ là một miếu nhỏ, thờ lộ thiên. Làng cách sông Hồng chỉ vài tăm mét. Khúc sông này xưa kia là bên lở. Dăm bảy chục năm sau khi xây dựng lại chuyển vào trong làng . Đình làng cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI thời nhà Lý.

Đến những năm đầu thế kỷ XVII thời Lê – Trịnh, Ông Đỗ Bá Phẩm người làng Vân La Thị được phong Quận Công trấn thủ Nam Sơn, ông đã chuyển các bè gỗ lim theo sông Hồng về đậu tại bến đò Vân La Thượng, cho các làng kéo gỗ lên bờ để riêng từng làng. Nhân dân làng Xâm Xuyên do ở xa nên kéo được 24 cột gỗ lim nhưng chỉ là những cây gỗ kích cỡ trung bình, cũng đủ làm được ngôi đình có quy mô to lớn kiểu chữ Nhị hiện nay.

          Theo thần phả của Làng thì Đình làng thờ Đức Linh Lang Đại Vương con trai vua Lý Thành Tông, ngài đã cùng Lý Thường Kiệt đánh tan mấy chục vạn quân Tống, Làng Xâm Xuyên là nơi lực lượng thủy quân lưu trú, luyện tập đến nay vẫn còn các điền tích lưu lại như: Cánh đồng Lạch hành là nơi hành trú của Thủy quân, cánh đồng Dải Cờ tương truyền là nơi cắm cờ, cánh đồng Tháp Bút là nơi Linh Lang đã đứng coi thủy quân luyện tập, miếu Cây Đa và miếu Thần Súng là nơi thờ thần vũ khí, đền lộ thiên có từ thời Lý. Tất cả các di tích cảnh quan đó đã gắn liền với cuộc sống người dân vùng châu thổ Sông Hồng.

           Đình Xâm Xuyên được xây dựng trên thế đất rất đẹp, cao ráo và quang đãng. Trước cửa Đình là một cái hồ rộng lớn, thường thả sen mùa hè hương thơm ngào ngạt. Cửa đình có một cái giếng trong mát, có hai dãy cây lưu niên trồng lâu năm, thôn xóm bao bọc phía sau và bên tả của Đình. Bên hữu và phía trước Đình là không gian rộng mênh mông, nhìn thấy đê sông Hồng chạy dài, uốn quanh những làng mạc phía trước.

       dscf5589__copy                     dscf5622     

          Đình Xâm Xuyên do dân làng đứng ra xây dựng, hiện tại công trình kiến trúc thuộc thời Nguyễn. Đình có quy mô to lớn kiểu chữ Nhị bao gồm tòa đại bái, thiệu hương, hâu cung và hai bên tả hữu mạc.

          Theo trình tự hệ thống từ ngoài vào, sau giếng đình ở phía trước của Đình có hệ thống tường xây công phu, cuốn cổng phụ đắp vẽ và xoi kẻ phủ đầy rêu phong của thời gian. Trên bức tường đó nổi bật cao vút là hai cột trụ vuông vức, đắm nổi hình hoa lá và rồng phượng. Giữa hai cột đó là lối chính diện vào Đình.

 dscf5620 dscf5621

Lối chính vào Đình

 

          Qua sân gạch rộng là tới tòa Đại bái của Đình. Tòa Đại bái Đình Xâm Xuyên có quy mô khá to lớn với chiều dài 19,5m; chiều rộng 7,9m. Đại bái gồm 5 gian 2 dĩ. Gỗ xây Đại bái đều là gỗ tứ thiết Đinh – Lim – Sến – Táu, 24 cột gỗ lim có chu vi trung bình là 1,3m. Riêng hàng cột bên tả và hữu sát đầu đốc Đình có ngắn và nhỏ hơn, phải xây tôn lên hơn 1m điều đó chứng tỏ Đình đã trải qua nhiều lần trùng tu. Các vì kèo kết cấu theo lối chồng rường, một lối kiến trúc phổ biến của thời Nguyễn.

          Trong Đại bái có 8 bức cuốn, 4 đầu dư đều chạm trổ rất công phu. Bốn bức cuốn chính ở gian giữa, nghệ nhân xưa đã xử dụng đề tài tứ linh: Long – Ly – Quy – Phượng để điêu khắc, chạm trổ. Ở những bức cuốn này trình độ nghệ thuật, sự tính toán cân đối hài hòa, sự bố cục khéo léo được thể hiện trên những nét đục chạm mô tả 4  con vật thiêng (theo quan điểm nho giáo) nhưng không bức nào trùng lặp nhau. Mỗi bức một vẻ đẹp: Ngư long hý thủy, Long Ly, hoặc Rồng cuộn khúc bơi lội trong đầm sen hết sức sinh động. Bốn bức còn lại ở các gian bên. Nghệ nhân xưa sử dụng đề tài tứ quý: Tùng – Chúc – Cúc – Mai để trang trí. Tất cả những bức này đều được chạm lông, chạm bóng rất tinh xảo, nhất là 4 đầu dư. Có thể nói đây là một sự tập trung công sức tài hoa và trí tuệ rất công phu. Ở các chi tiết kiến trúc khác như: Xà nách, kẻ, bẩy, người xem đều bắt gặp những họa tiết trang trí Rồng phượng hoặc lá Ngô đồng mềm mại tạo cho nội thất công trình vẻ nguy nga, lộng lẫy.

 dscf5594__copy dscf5614

Gian chính tòa Đại bái

Gian bên tòa Đại bái

 

          Sau tòa Đại bái là tòa hậu cung. Hậu cung Đình Xâm Xuyên dài 8m50 rộng 4m80 bao gồm 3 giam tập trung cho việc thờ tự, làm lễ. Nghệ thuật kiến trúc thiên về bền chắc, bào trơn. Trên lợp ngói ri cổ để tạo ra không khí trang nghiêm. Trong hậu cung ở giữa làm sàn, trên đóng trần sơn son vẽ rồng mây và chính giữa có đặt khán thờ, bài vị, hương hoa cùng hoành phi câu đối ca ngợi chiến công của đức Linh Lang Đại Vương.

 dscf5605 dscf5604


          Hai gian bên là ban thờ nhỏ thờ thần thổ địa và để những đồ thờ, những vật của Đình trong những ngày lễ hội dùng đến. Chính 2 gian này, xưa kia lợi dụng chốn thâm nghiêm, kín đáo, cán bộ, du kích đã dùng hoạt động, làm cơ sở hội họp nhiều khi  địch đi qua mà không ngờ tới.

 dscf5615 dscf5613

Kiệu cổ thời Lê phục vụ lễ hội


 

          Với lối kiến trúc chữ Nhị hiện nay bao gồm một tòa Đại bái và một tòa Hậu cung, Đình Xâm Xuyên là một di tích còn giữ nguyên những hạng mục của công trình kiến trúc cổ, công công trình tập trung công sức, tài hoa và trí tuệ của nhân dân làng Xâm Xuyên qua nhiều thế kỷ. Bên cạnh kiến trúc cổ độc đáo Đình Xâm Xuyên còn lưu giữ bản Thần phả do Hà Lâm Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn và lưu giữ 14 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn. Qua quá trình nghiên cứu, thu thập hồ sơ, dữ liệu năm 1987 Đình Xâm Xuyên đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

                                               

               Các hiện vật trong di tích gồm có:

               Đồ giấy:         

               - Bản Thần phả do Hà Lâm Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn

               - 14 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn

               Đồ gỗ:

               - Bộ bát bửu

               - Long ngai, bài vị

               - Một cỗ kiệu thời Lê sơn son thiếp vàng

               - Hương án

               - Hòm rương

               - 2 đôi câu đối, 3 hoành phi

               Đồ đồng:

               - Cây Nến

               - Đỉnh

               Đồ gốm sứ:

               - 1 chóe thời Thanh cao 65cm

               - 1 chóe thời Lê

               Hiên nay di tích Quốc gia Đình Xâm Xuyên được bảo vệ chu đáo, thường xuyên có cụ Từ trông nom. Những công trình phụ như tả hữu mạc hoặc hoành phi câu đối bị mất mát một số là do trong kháng chiến chống Pháp bị đổ, câu đối một số đời đem làm hầm bí mật.

               Đình Xâm Xuyên là một di tích lịch sử văn hóa trong hệ thống thờ Linh Lang ở Thành phố Hà Nội. Với những kiến trúc hiện có là minh chứng về khả năng tư duy nghệ thuật, trình độ thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của tổ tiên ta xưa gắn liền với những chiến công của Đức Linh Lang Đại Vương là người vì nước vì dân và đã có chiến tích đánh tan mấy chục vạn quân Tống. Có thể nói đây chính là một di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia hội tụ đủ những giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của người dân đất Việt.

SẢN PHẨM NỔI BẬT

DU LỊCH LÀNG QUÊ HỒNG VÂN
Địa chỉ: xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội
Thời gian mở cửa 06:00 AM – 23:00 PM
Hotline: 0972669194
Email: dulichlangquehongvan@gmail.com
Website: dulichlangquehongvan.com

gf-icn-facebook gf-icn-youtube gf-icn-twitter gf-icn-rss gf-icn-instagram

thong-bao-bo-cong-thuong

Website is designed at tnweb.vn